Trần Phúc Duyên sử dụng sơn điêu luyện, thanh thản như một họa sĩ, nhà thư pháp Trung Hoa sử dụng mực.
Các thời kỳ sáng tác của Trần Phúc Duyên có thể chia ra làm ba giai đoạn chính: 1945 – 1954: Sơn mài đồng nhất; 1954 đến cuối những năm 1970: Sơn mài sáng; và từ cuối những năm 1970 đến năm 1993: Sơn mài thiền họa, thủy mặc và trừu tượng. Ngoài tranh sơn mài, Trần Phúc Duyên còn thuần thục và có nhiều sáng tác trên hầu hết các chất liệu cơ bản như sơn dầu, lụa và khắc gỗ.
Mặc dù sống tại châu Âu, tiếp thu văn hóa và nghệ thuật phương Tây, các chủ đề về quê hương Việt Nam vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của Trần Phúc Duyên. Toàn bộ tranh phong cảnh, sinh vật cảnh và hình tượng con người của ông đều là tranh vẽ về Việt Nam, ngoại trừ khoảng trên dưới 20 bức sơn mài vẽ phong cảnh Thụy Sĩ, Pháp và Bắc Âu.
1945 – 1954: SƠN MÀI ĐỒNG NHẤT
Đây là thời kỳ ông vẽ nhiều tác phẩm sơn mài đồng nhất với một phong cách tả thực–tượng trưng thống nhất và sự pha trộn thẩm mỹ phương Đông truyền thống và tạo hình phương Tây của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, với gam mầu chủ đạo là đỏ son, vàng, cánh gián và đen. Thời kỳ này ông có hai kiểu chữ ký. Chữ ký thời kỳ đầu với ba chữ Hán xếp theo chiều dọc bên trên chữ Duyên và kểu thứ hai với một chữ Duyên và năm sáng tác.
1954 ĐẾN CUỐI NHỮNG NĂM 1970: SƠN MÀI SÁNG
Đây là thời kỳ Trần Phúc Duyên sáng tác những tác phẩm sơn mài sáng và khoảng 30 tranh lụa tại Pháp và Thuỵ Sỹ. Chủ đề chính là tranh phong cảnh đồng bằng Bắc Bộ lấy cảm hứng từ các làng xóm ở Hà Tây và vùng trung du, các danh lam thắng cảnh ở Miền Bắc Việt Nam cũng như hình ảnh các thiếu nữ mơ mộng thướt tha trong tà áo dài tân thời. Mặc dù tranh sơn mài phong cảnh của Trần Phúc Duyên vẫn mang đậm tinh thần phương Đông, nhưng màu sáng dần lên, nền đỏ hoặc đen dần được thay bằng các chủ sắc vàng hay xám nhạt. Các tương phản mạnh làm người xem choáng ngợp thường thấy trong tranh sơn mài Đông Dương đã nhường chỗ cho một hòa sắc thống nhất, đồng điệu và gần như đơn sắc. Ông dùng chữ ký TrDuyên cùng với triện.
CUỐI NHỮNG NĂM 1970 ĐẾN NĂM 1993: SƠN MÀI THIỀN HỌA, THỦY MẶC VÀ TRỪU TƯỢNG
Trong gần 20 năm cuối cùng của sự nghiệp sáng tác của mình, Trần Phúc Duyên đưa Thiền họa và Thuỷ mặc vào tranh sơn mài. Ông cũng sáng tác nhiều tác phẩm sơn mài phi hình và trừu tượng, với âm vọng của hội họa trừu tượng hậu hiện đại và trường phái New York. Trần Phúc Duyên quay về với lối chữ ký tối giản với triện là biểu tượng của ba chữ TPD bên trên và bên dưới là chữ DUYEN viết in hoa hoặc đơn giản hơn chỉ là chữ DUYEN viết in hoa.
Trong các sáng tác của Trần Phúc Duyên ở giai đoạn này: “Mọi thứ đều được xử lý để nhường chỗ cho sự im lặng, cho những giấc mơ và cho thiền. Người họa đã vượt ra ngoài ranh giới của sự thể hiện, để miêu tả sự thống nhất sâu sắc của các sự vật.” (Jean -Claude Piguet, phát biểu tại triển lãm cá nhân của Trần Phúc Duyên năm 1983 tại Thụy Sĩ)
***
Trần Phúc Duyên không lập gia đình. Ông đã dâng hiến trọn đời mình cho nghệ thuật sơn mài và ông đã rất hạnh phúc khi được theo đuổi ham muốn của mình. Ông luôn say mê và không ngừng tìm kiếm sự hoàn hảo để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đẹp và giàu cảm xúc. Ở Châu Âu – xa biệt với quê hương của sơn ta, Trần Phúc Duyên đã âm thầm lặng lẽ cống hiến cho nghệ thuật sơn mài Việt Nam, góp phần đưa nghệ thuật sơn mài Việt Nam tỏa sáng rộng hơn ra thế giới